Sự thờ cúng đức thánh Trần Hưng Đạo ở Thành phố Hồ Chí Minh



Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300) (Trần Hưng Đạo) là anh hùng dân tộc kiệt xuất, nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, danh nhân văn hóa của dân tộc ta. Ông là con trai của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu vua Trần Thái Tông, quê ở Tức Mặc, Mỹ Lộc, Hà Nam Ninh (nay là Nam Định). Với tài thao lược, trí dũng song toàn, Ông đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân chiến đấu và ba lần giành thắng lợi vĩ đại trước quân Nguyên Mông hùng mạnh, giữ vững nền độc lập của nước nhà. 



Ghi nhận công lao to lớn của Ông, ngày 18/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí sắc lệnh số 22 ban hành 5 ngày lễ chính thức của đất nước, trong đó có ngày giỗ Ngài Trần Hưng Đạo . Từ đó đến nay, ngày 20/8 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày Lễ quan trọng của dân tộc ta ở trong nước và ở nước ngoài.
Sau khi mất, Trần Hưng Đạo được thờ phụng ở nhiều nơi cả trong nước và ở nhiều nước trên thế giới, hiện cả nước có khoảng gần 1.000 di tích thờ Đức Thánh Trần, trong đó nơi thờ tự chính của Ngài ở đền Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương.
Việc tôn vinh và thờ phụng Trần Hưng Đạo trở thành đạo lý của nhân dân ta; là một trong những nhân vật vĩ đại nhất của lịch sử dân tộc, Hưng Đạo Vương đã được muôn đời ngợi ca bởi tấm gương trung hiếu, khí phách kiên cường, tài năng quân sự và tấm lòng tín nghĩa. Việc Ông được “thánh hóa” là hiện tượng hợp với tâm thức và ước nguyện của người Việt: Là thần thánh hóa người có công với nhân dân, với đất nước, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông bờ cõi. Nhân dân không gọi trực tiếp tên của Ngài mà gọi là Hưng Đạo Đại Vương, Đức Thánh Trần, là Cha. 

 

 Cũng như các tín ngưỡng dân gian khác, Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần là một hình thái biểu thị đức tin, niềm tin của nhân dân từ thời đại nhà Trần đến ngày nay với một anh hùng dân tộc, một nhà chính trị - quân sự đại tài, vị thống soái văn võ song toàn của dân tộc ta, là Trần Hưng Đạo. Nội dung nổi bật của Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần là truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng và giữ nước; nó được hình thành từ quá trình “thánh hóa” Ngài Trần Quốc Tuấn, người đã phù hộ cho sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, hộ quốc an dân. Điều đó đã trở thành lẽ tự nhiên, là quy luật tâm lý tất yếu của người dân Việt đối với những người có công với đất nước, như thờ phụng Hai Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thường Kiệt, Lý Thái Tổ, Lê Lợi...và nay là lập ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc ta. Tương truyền, Đức Thánh Trần chính là Thanh Tiên đồng từ trên Thiên Đình phụng lệnh Ngọc Hoàng đầu thai xuống hạ giới mang theo phi thân kiếm, cờ ấn, tam bảo giúp nước, giúp đời(2). Khi hóa, Ngài về thiên đình và được Ngọc Hoàng phong là Cửu Thiên Vũ Đế với sứ mệnh diệt trừ tà ma ở cả 3 cõi thiên đình, trần gian, âm phủ. Nhân dân cũng đã tôn hai vị tướng tâm phúc của Đức Thánh Trần là Yết Kiêu và Dã Tượng vào vị trí phò tá của Ngài. Khi mất, họ đã hóa thành quan Nam Tào, Bắc Đẩu tiếp tục giúp Ngài trong việc cứu dân, giúp đời.
Là một hình thức tín ngưỡng dân gian của dân tộc, cơ sở quan trọng cho việc hình thành Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần cũng chính là truyền thống văn hoá tín ngưỡng của người Việt. Nước ta là một nước có tín ngưỡng thờ đa thần, người Việt nhìn đâu cũng thấy thần linh. Trên nền tảng đó, việc các nhân vật lịch sử, trong đó có Trần Hưng Đạo, Người đã có được đầy đủ phẩm chất: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm và tài năng hơn người, với những chiến công hiển hách chiến thắng giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước chính là hình tượng khuôn mẫu mà họ luôn mong ước. Vì lẽ đó, Ngài Trần Hưng Đạo đã được nhân dân phong là Thánh và trở thành biểu tượng che chở nhân dân chống giặc ngoại xâm, chống lại thế lực tà đạo, ma quỷ. Điều đó phù hợp với nguyện vọng của đại đa số quần chúng nhân dân và cả giai cấp thống trị qua các thời kỳ lịch sử. Khác với những vị Phúc thần, những anh hùng dân tộc khác, Trần Hưng Đạo được thờ là vị thánh chủ của một dòng tín ngưỡng bởi đã đáp ứng được nhu cầu của đa số các giai tầng xã hội lúc đó cũng như về sau này, đó là có một biểu tượng có sức mạnh to lớn tiêu diệt các lực lượng xấu xa, tà đạo.
Qua nghiên cứu, phân tích không gian và thời gian của Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần, cả qui trình đi từ nhân vật lịch sử đến nhân vật huyền thoại, có thể thấy việc “thánh hoá” Trần Hưng Đạo là một hiện tượng văn hóa khá đặc biệt trong lịch sử và văn hóa Việt Nam. Từ một vị anh hùng dân tộc với nhiều chiến công vang dội, Trần Hưng Đạo đã trở thành một vị Thánh linh thiêng và là nhân vật trung tâm của một loại hình tín ngưỡng dân gian. Hiện tượng sùng bái người anh hùng với việc lập sinh từ khi còn sống, lập đền thờ sau khi mất là những dạng thức sơ khai của tín ngưỡng. Trải qua những biến động thăng trầm của lịch sử, Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần luôn vận động, biến đổi trong sự tác động qua lại và gắn bó chặt chẽ với các hình thức tín ngưỡng dân gian cũng như với các tôn giáo khác trong xã hội. Mặc dù bản chất Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần là thờ Phúc thần, nhưng còn là sự dung hợp, đan xen và hội tụ nhiều dạng thức tín ngưỡng khác như: Tín ngưỡng thờ Thần tiên, Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên, Tín ngưỡng thờ Mẫu...Tuy nhiên, sự đan kết giữa Tín ngưỡng thờ Mẫu và thờ Đức Thánh Trần là thể hiện rõ nét nhất, biểu hiện ở chỗ là bất cứ nơi nào có đền, điện, phủ thờ Thánh Mẫu đều có ban thờ Trần Triều, thực chất là thờ Đức Thánh Trần. Ngược lại, thờ Thánh Mẫu cũng ngày càng phổ biến hơn trong các điện thờ Đức Thánh Trần, tạo nên mối quan hệ “Thánh Cha - Thánh Mẹ” có một không hai trong đời sống tín ngưỡng ở nước ta. Cũng như một số tín ngưỡng dân gian khác, tín ngưỡng Đức Thánh Trần nằm trong hệ thống thờ Thần Việt Nam; tuy nhiên, Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần còn mang nhiều nét đặc trưng của Đạo giáo. Qua nghiên cứu thấy, dưới thời Trần, mặc dù Nho giáo chiếm vị trí quan trọng trong đời sống xã hội nhưng Đạo giáo cũng phát triển rất mạnh; bên cạnh đó, nhà Trần cũng rất coi trọng tín ngưỡng dân gian; đó là điều kiện thuận lợi để những tín ngưỡng dân gian bị ảnh hưởng, pha trộn những đặc trưng của Đạo giáo. Chính vì lẽ đó, mục đích và phương thức hành lễ trong Tín ngưỡng Đức Thánh Trần đã mang đậm màu sắc của Đạo giáo mà biểu hiện rõ nét là hoạt động hầu bóng, hầu đồng trong các lễ hội hay là viết bùa trấn yểm đất cát, nhà cửa diễn ra ở những nơi thờ của Ngài…


Theo các nhà nghiên cứu thì Đức Thánh Trần đang được nhân dân phụng thờ dưới hai hình thức khác nhau. Hình thức thứ nhất, người dân thờ Trần Quốc Tuấn với vai trò là một anh hùng dân tộc, hình thức thứ hai là tôn thờ Ngài như vị vua cha, là vị Thánh; ngày giỗ và lễ hội thờ Ngài cũng đồng nhất và ngang hàng với Bát Hải Đại Vương và được thờ riêng ở phủ Trần Triều. Qua thống kê thấy, di tích thờ Ngài gồm đủ các loại hình, chủ yếu là đền và cả ở các chùa, đình, điện, miếu, phủ, tĩnh, am...Riêng nơi thờ chính của Ngài ở Kiếp Bạc, theo thuyết phong thủy thì nơi đây có thế đất lý tưởng, có ngọn núi xèo rộng ra ôm lấy thung lũng trước mặt ngôi đền là núi Nam Tào và Bắc Đẩu; phía trước là sông Thương, xa một chút có sông Lục Đầu, phía sau là dãy núi Rồng, hai tay ngai Nam Tào, Bắc Đẩu. Trong nhiều ngôi chùa, cũng như tín ngưỡng Tứ phủ, luôn có ban thờ Đức Thánh Trần ở nơi cửa Phật, bên cạnh toà Tam Bảo. Ngay trong dòng thờ Đức Thánh Trần, cũng có nhân vật Thiện Đạo Quốc Mẫu, Người đã sinh ra Ngài Trần Hưng Đạo, theo truyền thuyết, cũng đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cứu dân độ thế, phù chính trừ tà.
Trải qua hơn 700 năm, các truyền thuyết và nghi lễ, lễ hội thờ phụng Đức Thánh Trần đã hình thành và phát triển khắp nơi trên đất nước ta và cả ở nước ngoài. Có nhiều hình thức tôn vinh Trần Hưng Đạo mang tính phổ biến ở nhiều nơi và có cả một số hình thức tôn vinh đặc biệt chỉ có ở Hải Dương; đã tạo nên sức sống trường tồn, bền bỉ và có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với con người. Sự tôn vinh đó đã làm nổi bật được chân dung người anh hùng kiệt xuất của dân tộc ta. Xung quanh Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần không chỉ có các di sản văn hóa hiện hữu mà là cả một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, đa sắc màu, thấm đẫm giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian cổ truyền; đó là kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về các thần linh, là các hình thức diễn xướng âm nhạc, ca hát, các hình thức trang trí, kiến trúc. Các cuộc tế lễ, dâng hương tưởng niệm Trần Hưng Đạo được tiến hành theo kịch bản được xây dựng công phu và được cử hành nghiêm trang, trọng thể với các nghi lễ vừa linh thiêng, kính cẩn vừa huyền bí.
Đức Thánh Trần là biểu tượng bất diệt của bản trường ca về chủ nghĩa yêu nước, yêu dân tộc; là hình mẫu về sự hy sinh, cống hiến không biết mỏi mệt vì nhân dân, vì đất nước. Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần chính là tuân thủ quy luật “sinh vi tướng, tử vi thần” trong văn hóa Việt, có giá trị to lớn trong giáo dục nhân cách và đạo lý làm người; giáo dục, vun bồi lòng yêu quê hương, yêu giống nòi, bài học về ý thức tự lực tự cường dân tộc, về việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Điều đó đã góp phần tạo nên đặc trưng riêng có của nền văn hóa mang đậm đà bản sắc của dân tộc ta. Việc thờ phụng Đức Thánh Trần cũng góp phần nâng cao nhận thức của con người về bài học lấy dân làm gốc: “Khoan thư sức dân, làm kế sâu rễ bền gốc là thượng sách giữ nước" do chính Ngài truyền lại cho các thế hệ sau này. Năm 2000, kỉ niệm 700 năm ngày giỗ của Ngài, trang nhất báo Nhân Dân số ra tháng 9 đã trang trọng khẳng định, Trần Hưng Đạo là “vị Thánh trong lòng dân”; Ngài đã trở thành đại diện tiêu biểu của lực lượng chính nghĩa có sức mạnh vô song chiến thắng mọi kẻ thù dù hung ác, nham hiểm, nhiều “mưu ma chước quỷ” đến đâu đối với nhân dân và đất nước con Rồng cháu Tiên này.
Đức Thánh Trần Hưng Đạo là tấm gương sáng chói muôn đời về nhân cách, đạo đức, bản lĩnh, trí tuệ, nghị lực và tài năng cho các thế hệ sau này của đất nước ta noi theo. Danh nhân Phan Huy Chú thế kỷ 19 đã khẳng định: “Danh tướng nhà Trần như Hưng Đạo Vương không mấy đời có; kiêm cả văn võ, thừa trí dũng, dựng nên công lao sự nghiệp kỳ vĩ mà giữ vững trung nghĩa cùng một hàng với Quách Tử Nghi. Ông không những là anh hùng của một thời đại mà cho đến các bậc tướng thần cổ kim cũng ít ai bì kịp”. Đất nước ta đang bước vào thiên niên kỷ mới với những bước phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực của xã hội, trong tâm thức người dân Việt, Đức Thánh Trần và các vị tiền bối của dân tộc ta vẫn đã, đang tiếp tục đồng hành phù hộ cho sự nghiệp cách mạng của đất nước ta, góp phần đưa Việt Nam ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu, bạn bè trên thế giới như Bác Hồ đã chỉ dạy lúc sinh thời.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến